Trên địa bàn phường Việt Hoà hiện có 03 đình (Đình Đồng Niên, Đình Hàn Trung, Đình Chi Hoà), 03 chùa (Chùa Đồng Niên. Chùa Hàn Trung, Chùa Chi Hoà), 01 đền (Đền Đức Ông). Các di tích trên địa bàn phường được tổ chức hoạt động có bài bản theo hướng dẫn chung của Sở Văn hoá thể thao và du lịch, các cơ sở tôn giáo đều có Ban quản lý các di tích. Các hoạt động lễ hội hàng năm đều được các Ban quản lý di tích lập kế hoạch đăng ký với UBND phường từ đầu năm, trong quá trình diễn ra lễ hội luôn đảm bảo các yêu cầu về tín ngưỡng, mọi người dân đến lễ hội với tinh thần tự do tín ngưỡng, chấp hành tốt mọi nội quy của lễ hội, không để xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, không xảy ra tình trạng xấu ảnh hưởng an ninh trật tự.
Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hiệu quả thiết thực, tạo sự gắn bó mật thiết, giữa Đảng, Chính quyền và nhân dân trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định trong khuôn khổ của pháp luật. Hoạt động Tín ngưỡng, Tôn giáo trên địa bàn phường Việt Hoà diễn ra ổn định, không xảy ra vấn đề gì ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Trong tất cả các di tích trênb địa bàn phường thì Chùa Đồng Niên đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1994.
Chùa Đồng Niên (hay còn gọi là chùa Diên Phúc) được xây dựng từ thời hậu Lê và trùng tu vào các năm 1800, 1924. Trải qua những biến thiên của lịch sử, di tích vẫn còn bảo lưu được những hiện vật quý. Tại chùa hiện còn lưu giữ quả chuông đề “Diên Phúc tự chung" có niên đại Cảnh Thịnh bát niên (1800), là niên đại sớm nhất trong tất cả các niên đại còn ghi tại chùa. Tới tháng 3.2020, chùa Đồng Niên được chính quyền cùng nhân dân đóng góp trùng tu khang trang. Với những giá trị lịch sử quý giá, cụm di tích đình.
Không chỉ vậy, tại chùa Đồng Niên còn lưu giữ được những hiện vật có tuổi đời hàng trăm năm, được giới chuyên môn đánh giá có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật như tượng cổ, thần tích, chuông cổ, khánh đá cổ, bia đá, long ngai…
Năm 1964, ngôi chùa cổ Linh Quyết (ở ngoài đê) được tháo dỡ và các hiện vật được chuyển vào chùa Đồng Niên để thờ cho đến mãi sau này, trong đó có khoảng 60 pho tượng Phật. Do cách thức di chuyển hoàn toàn thô sơ, chủ yếu dùng sức người nên một số pho tượng bị hỏng nặng, thất lạc, chỉ còn lại 38 pho tượng như hiện nay. Những pho tượng bị hư hỏng nhẹ như bị long, rụng chân, tay hoặc bệ ngồi, địa phương đã kịp thời thuê thợ phục chế lại. Trong 38 pho tượng còn lưu giữ đến ngày nay, đa phần là tượng làm từ chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, chỉ có 3 pho tượng bằng đất. Trong đó có bức tượng Phật Hiện Tại được tạc ở thế ngồi trên tòa sen, chất liệu bằng gỗ; tượng Phật Vị Lai có chất liệu gỗ mít, sơn ta, nhũ vàng quỳ và tượng Phật Quá Khứ được tạc theo thế ngồi thiền trên tòa sen, chất liệu gỗ mít sơn ta, thếp vàng quỳ là ba pho tượng có niên đại thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Các pho tượng còn lại đều có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX).